Các bậc phụ huynh cần nhận thức rõ đây là thời điểm cần cảnh giác, không thể chủ quan trong việc bảo vệ trẻ trước những dịch bệnh đang hoành hành và phổ biến trên diện rộng. Các bậc phụ huynh là người quan trọng đóng vai trò quyết định giúp các em phòng chống lại những bệnh nguy hiểm.
Những bệnh thường gặp lúc giao mùa hè - thu có thể kể tên như bệnh về hô hấp, tay chân miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết, sốt siêu vi… luôn đe dọa tấn công trẻ bất cứ lúc nào. Cơ thể trẻ còn yếu ớt, sức đề kháng còn kém, hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện nên rất dễ bị dịch bệnh tấn công.
Những bệnh thường gặp khi thời tiết giao mùa:
* Sốt siêu vi hay là sốt virus.
Thời tiết giao mùa rất thích hợp cho một số loại virus gây bệnh phát triển. Mẹ cần phòng tránh cho bé tiếp xúc nguồn bệnh như: không tới chỗ đông người, không tiếp xúc nhiều với người bệnh, rửa tay cho bé trước khi ăn và sau khi bé đi học hoặc đi chơi ở ngoài về. Tăng sức đề kháng cho trẻ bằng các chất bổ sung tăng cường miễn dịch trực tiếp có thể rất hữu ích trong thời điểm này, nhất là đối với trẻ thường xuyên ốm vặt, viêm nhiễm đường hô hấp, tai mũi họng.
* Đau họng.
Do vi khuẩn hoặc virus gây ra
Triệu chứng: các triệu chứng thường xảy ra bất ngờ như: sưng họng, ớn lạnh, sốt, đau đầu, buồn nôn và hay thỉnh thoảng bị nôn. Họng tấy đỏ và amiđan sưng, đôi khi có hạch.
Chữa trị: cần đến bác sĩ để kiểm tra họng, chẩn đoán loại bệnh. Bác sĩ sẽ cho uống kháng sinh trong 10 ngày nếu do vi khuẩn. Ở nhiều trường hợp, học sinh có thể đi học sau 1 ngày uống thuốc.
* Viêm màng kết.
Hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ, lây lan nhanh do mắt tiếp xúc với tay bẩn, quần áo và khăn mặt.
Triệu chứng: mắt đỏ và cộm. Đôi khi chảy nước vàng và có rỉ mắt vào ban đêm.
Chữa trị: cách chữa trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh. Nếu bệnh do virus thì bệnh sẽ tự khỏi.
* Sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết thường bắt đầu vào tháng 2-3. Cần phòng bệnh bằng cách phun thuốc diệt muỗi, phát quang bụi rậm, mắc màn khi bé ngủ, dọn sạch các vũng nước đọng trong nhà.
* Bệnh tay chân miệng.
Cho đến nay, chưa có vaccin phòng bệnh tay chân miệng. Nguy cơ lây nhiễm bệnh có thể được giảm thiểu bằng việc thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và chăm sóc y tế kịp thời cho những trẻ em bị bệnh.
* Để phòng bệnh cha mẹ cần:
Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết trở lạnh, nhất là khi đưa trẻ đi chơi ngoài trời vào buổi tối hoặc sáng sớm, ở các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
Không nên cho trẻ tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp và những chỗ đông người ngột ngạt, có khói thuốc lá.
Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cho trẻ. Đây là những dưỡng chất quan trọng vừa giúp trẻ phát triển hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần cũng như tăng cường hệ miễn dịch.
Tiêm phòng vắc xin để phòng chống các loại bệnh cho trẻ.
Một điều các bậc phụ huynh cần lưu ý đặc biệt là trẻ em ở lứa tuổi này khi mắc bệnh thì diễn biến thường nặng và khó lường... Do đó, nếu những bệnh lý này không được phát hiện, điều trị, xử trí sớm và đúng, sẽ xảy ra các biến chứng nguy hiểm như: Suy hô hấp cấp, viêm phổi, viêm tai, viêm màng não, áp xe phổi, tràn khí, tràn dịch màng phổi và có thể dẫn đến tử vong.