Tổ chức hoạt động chơi cho trẻ mẫu giáo ở cơ sở giáo dục mầm non theo hướng trải nghiệm

Thứ sáu - 21/04/2023 08:53
6
6
     Giáo dục trẻ mầm non theo hướng trải nghiệm là phương thức sử dụng các hoạt động giáo dục trong đó giáo viên là người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn các hoạt động để trẻ được tham dự hay tiếp xúc, tương tác trực tiếp, được chiêm nghiệm, tự lực tích lũy kiến thức, kỹ năng, thái độ tạo thành kinh nghiệm riêng của bản thân.
     Học qua trải nghiệm giúp trẻ có cơ hội và năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn qua các chủ đề đa dạng mang tính tích hợp, hoạt động của trẻ phong phú, hấp dẫn; trẻ được tiếp xúc, tương tác trực tiếp với đối tượng, tự khái quát thành hiểu biết riêng của mình.
1 2
    "Chơi" là hoạt động chủ đạo của trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo. Hoạt động chơi của trẻ ở trường mầm non có thể diễn ra trong lớp hoặc ngoài trời. Để tổ chức hoạt động chơi cho trẻ theo hướng trải nghiệm phù hợp với trẻ mầm non cần trải qua 5 hoạt động và 4 bước như sau:
     1. Xác định chủ đề hoạt động chơi
     Chủ đề chơi của trẻ phụ thuộc đặc điểm môi trường tự nhiên, xã hội xung quanh, các sự kiện diễn ra trong cuộc sống của trẻ theo từng thời điểm cụ thể. Sự phong phú về nội dung các sự vật, hiện tượng, hoạt động của con người diễn ra trong môi trường sống sẽ trở thành các chủ đề chơi hấp dẫn trẻ và giáo viên có thể thiết kế môi trường chơi cho trẻ.
      Đối với trẻ mẫu giáo bé, do trẻ chưa biết tự đặt mục đích khi chơi nên giáo viên có thể lựa chọn chủ đề chơi bằng cách khơi gợi ý tưởng chơi. Từ đó, trẻ sẽ tự lựa chọn các trò chơi khác nhau hướng tới chủ đề đã chọn.
     Đối với trẻ mẫu giáo nhỡ và lớn, giáo viên kết hợp giữa việc khơi gợi ý tưởng chơi cho trẻ với việc để trẻ chủ động đề xuất chủ đề chơi khi trẻ có nhu cầu, hứng thú với vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn.
     2. Xác định mục tiêu của hoạt động chơi
    Hoạt động chơi có ưu thế trong việc củng cố kiến thức, rèn luyện các kỹ năng, hình thành thái độ tích cực cho trẻ với môi trường xung quanh. Dựa vào đặc điểm, khả năng, kinh nghiệm và chủ đề giáo dục mà giáo viên xác định mục tiêu cho phù hợp. Lưu ý ưu tiên các mục tiêu phát triển kỹ năng, thái độ cho trẻ.
Về kiến thức: Cung cấp, củng cố và mở rộng kiến thức về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội cho trẻ.
     Về kỹ năng: Hình thành, củng cố các kỹ năng nhận thức (quan sát, phân tích, phán đoán, kỹ năng đếm, đong đo, "đọc" sách…), kỹ năng xã hội (giải quyết vấn đề, tổ chức, hợp tác, chia sẻ, thương thuyết…), kỹ năng vận động tinh và vận động thô (chạy, nhảy, ném, trượt, lắp ráp, vẽ…), kỹ năng lao động; kỹ năng chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng (nấu ăn, khám bệnh, cấp cứu…).
    Về thái độ: Cần chú ý đến việc hình thành hứng thú và duy trì hứng thú cho trẻ trong suốt quá trình chơi; tạo cho trẻ cảm giác thoải mái, được tự do, tích cực, sáng tạo trong quá trình chơi; khuyến khích trẻ quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau; có ý thức giữ gìn đồ dùng, đồ chơi và thực hiện văn hóa ứng xử trong khi chơi.
     3. Xác định cấu trúc và nội dung của hoạt động chơi
     Cấu trúc của hoạt động chơi gồm 3 phần: Trước khi chơi (trẻ lựa chọn: chủ đề, ý tưởng, bạn chơi, phân vai chơi, thống nhất các quy định khi chơi), trong quá trình chơi (trẻ lựa chọn khu vực chơi và bắt đầu quá trình chơi, tương tác với người khác) và sau khi chơi (trẻ đánh giá kết quả chơi, thu dọn đồ dùng, đồ chơi).
    4. Chuẩn bị hoạt động chơi
     Để giúp trẻ chủ động, tích cực và độc lập trong quá trình chơi, giáo viên cần quan tâm đến việc chuẩn bị môi trường vật chất và tạo ra môi trường tâm lý thoải mái, thân thiện trong quá trình chơi. Lưu ý:
Đối với môi trường vật chất:
     - Bố trí, tạo không gian cho các khu vực chơi phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, số nhóm chơi, chủ đề và không gian lớp học;
    - Lựa chọn, sắp xếp đồ dùng, đồ chơi, vật liệu phong phú, đa dạng (tăng cường các vật liệu thiên nhiên, phế liệu, dụng cụ gia đình, thực phẩm tươi…).
     Đối với các khu vực chơi ngoài trời như: chơi với cát, nước… giáo viên cung cấp thêm các dụng cụ đa dạng để trẻ chơi theo nhiều cách khác nhau và có nơi để trẻ lấy và cất thuận tiện.
     Tích lũy kiến thức về tự nhiên, xã hội; kỹ năng cần thiết và định hướng, đến các chủ đề, nội dung chơi hấp dẫn giúp đỡ trẻ khi cần thiết sẽ giúp trẻ chủ động, hứng thú, tích cực tham gia chơi và được thỏa mãn nhu cầu chơi.
3
 4
      5. Cách tiến hành hoạt động chơi theo hướng trải nghiệm.
     * Bước 1: Hoạt động trải nghiệm thực tế của trẻ
     - Trẻ trao đổi về chủ đề, nội dung chơi: Giáo viên có thể nêu tên chủ đề trải nghiệm hoặc cho trẻ thảo luận đưa ra ý tưởng; trẻ trao đổi nội dung hoạt động dựa trên câu hỏi của giáo viên, lựa chọn công việc, phân công công việc cho các thành viên.
    - Quá trình hoạt động của trẻ: Trẻ về các khu vực chơi để bắt đầu thực hiện các công việc của nhóm. Giáo viên quan sát, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ năng mới, khuyến khích trẻ, tạo tình huống tương tác giữa các trẻ.
    - Kết thúc hoạt động: Trẻ trưng bày sản phẩm, đánh giá hoạt động, sử dụng sản phẩm của mình vào các hoạt động khác nhau, dọn dẹp môi trường, vệ sinh cá nhân.
    * Bước 2: Chia sẻ kinh nghiệm
    - Thời điểm chia sẻ kinh nghiệm: tiến hành ở bất kỳ thời điểm nào (ngay sau hoạt động trải nghiệm hoặc buổi khác). Có thể cho trẻ chia sẻ nhiều lần nếu trẻ muốn.
    - Trình tự các câu hỏi chính trong hoạt động chia sẻ kinh nghiệm là: Câu hỏi về cảm xúc của trẻ khi tham gia hoạt động; câu hỏi về các hoạt động trẻ đã tham gia; câu hỏi về các kỹ năng thực hiện một công việc nào đó của trẻ; câu hỏi về kết quả thực hiện công việc của trẻ; câu hỏi về nguyên nhân dẫn đến kết quả.
    - Giáo viên khuyến khích trẻ tham gia chia sẻ kinh nghiệm và cùng chia sẻ với trẻ để tạo ra không khí vui vẻ, thoải mái khiến trẻ tự tin, mong muốn chia sẻ. Những trẻ chưa mạnh dạn, tự tin cần được quan tâm nhiều hơn, không thúc giục trẻ, cần chờ đợi đến khi trẻ sẵn sàng.
    * Bước 3: Trẻ rút kinh nghiệm cho bản thân
      Những kiến thức, kỹ năng, cảm xúc trẻ được chia sẻ trong quá trình đàm thoại cần được hệ thống, khái quát cho gọn, rõ hơn, dễ ghi nhớ. Tùy vào khả năng nhận thức, tư duy của trẻ, giáo viên giúp trẻ hệ thống các kinh nghiệm đã chia sẻ.
      - Khi tổ chức chia sẻ kinh nghiệm, giáo viên đặt các câu hỏi để trẻ tự rút ra các kinh nghiệm thu được qua hoạt động chơi:
     Hãy nói về những điều con đã biết được thông qua hoạt động chơi.
     Trẻ tự do nói lên kinh nghiệm mà chúng biết được qua hoạt động.
     Giáo viên gợi ý những nội dung mà trẻ chưa đề cập đến để trẻ suy nghĩ và tự rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân.
     Giáo viên giúp trẻ hệ thống lại các kinh nghiệm trẻ vừa chia sẻ.
     Sử dụng tranh ảnh minh họa để gây hứng thú và khắc sâu kinh nghiệm cho trẻ.
     Giáo viên định hướng trẻ vận dụng kinh nghiệm vào cuộc sống hàng ngày.
    * Bước 4: Hướng dẫn trẻ vận dụng kinh nghiệm vào cuộc sống
     - Khuyến khích trẻ tích cực đánh giá và tự đánh giá việc vận dụng kinh nghiệm của bạn, bản thân vào cuộc sống. Đặc biệt là vận dụng vào hoạt động chơi trong lớp, ngoài trời và trong sinh hoạt hằng ngày.
     - Phối hợp với phụ huynh khuyến khích trẻ vận dụng kinh nghiệm trong sinh hoạt hằng ngày.
     Tổ chức hoạt động chơi theo hướng trải nghiệm là một trong những giải pháp đổi mới GDMN theo hướng tiếp cận phát triển năng lực trẻ em. Đây là cách thức phù hợp giúp trẻ mầm non được "học bằng chơi, chơi mà học", vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng đã có để giải quyết vấn đề có ý nghĩa trong cuộc sống của trẻ hôm nay và mai sau./.
5 7

Tác giả bài viết: Cô giáo Mùa Thị Só

Nguồn tin: MN Keo Lôm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT WEBSITE

 

 

 

 

HỖ TRỢ KỸ THUẬT
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay45
  • Tháng hiện tại13,697
  • Tổng lượt truy cập616,998
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Chế độ giao diện đang hiển thị: Tự độngMáy Tính