Đối với Giáo dục mầm non, ngoài sự cần thiết có một môi trường xanh- sạch- đẹp, còn phải xây dựng bầu không khí vui tươi thân thiện cho trẻ thông qua các trò chơi, đặc biệt là trò chơi dân gian. Qua các trò chơi dân gian, trẻ sẽ được hình thành, phát triển các phẩm chất về thể lực, trí tuệ và tình cảm đạo đức.
Từ thực tiễn giáo dục “Học mà chơi- chơi mà học” của các cô giáo Trường Mầm non Keo Lôm, trò chơi dân gian được tổ chức cho trẻ ở mọi lúc mọi nơi. Ví dụ trong hoạt động ngoài trời, phần phát triển vận động giáo viên có thể lựa chọn các trò chơi dân gian thuộc nhóm phát triển thể chất như kéo co, cướp cờ, bịt mắt bắt dê…; phần chơi tự do có các trò chơi dân gian nhóm trí tuệ, thẩm mỹ như cơm canh rau muống, chi chi chành chành, bịt mắt đánh trống... Trong hoạt động góc trẻ có thể chơi các trò chơi lộn cầu vồng, đánh chuyền, chồng nụ chồng hoa…
Giáo viên cần lựa chọn trò chơi phù hợp, gắn với nội dung bài dạy, đảm bảo yêu cầu kiến thức, kỹ năng, thái độ và tâm sinh lý lứa tuổi; kết hợp sử dụng phương tiện trực quan đơn giản, gần gũi bằng nguyên vật liệu địa phương sắn có như lá, sỏi, hột hạt…. Đối với các trò chơi có lời đồng dao kết hợp, cô hướng dẫn trẻ đọc diễn cảm và thể hiện động tác minh hoạ.
Các giờ học có trò chơi dân gian làm cho các bé đều hứng thú và học rất say mê, khi đọc và diễn tả các bài đồng dao, các bé rất thích và học thuộc rất nhanh. Hầu như các bé có thể chơi các trò chơi dân gian ở mọi lúc mọi nơi.
Trò chơi dân gian đã được chú trọng và “chiếm lĩnh” một cách hiệu quả hoạt động học tập, vui chơi của trẻ ở Trường Mầm non Keo Lôm. Khi chơi trò chơi dân gian, trẻ thấy thoải mái, tự tin, tự nhiên, không đòi hỏi những kỹ năng phức tạp; các hành động minh hoạ linh hoạt; số lượng trẻ tham gia trong mỗi trò chơi không hạn chế. Trò chơi dân gian thường gắn với các bài đồng dao, vì vậy, trẻ được rèn luyện kỹ năng đọc, thể hiện cảm xúc và cũng rèn luyện cho những trẻ nhút nhát, tự kỷ hoà đồng hơn với các bạn trong nhóm, lớp.