Lao động là một bộ phận quan trọng của giáo dục phát triển toàn diện, nhằm hình thành ở trẻ những phẩm chất của người lao động: yêu lao động, quý trọng người lao động, giúp trẻ nắm được các kỹ năng lao động đơn giản phục vụ cho sinh hoạt và chuẩn bị sau này cho trẻ tham gia vào đời sống lao động. Giáo dục lao động có ý nghĩa quan trọng đối với các mặt giáo dục khác và có quan hệ mật thiết với nhau, giúp cho quá trình giáo dục nhân cách của trẻ phát triển toàn diện.
Lao động đối với trẻ mầm non không chỉ là nhiệm vụ của các cô giáo trong trường mầm non mà đồng thời phải từ chính gia đình trẻ.
Để con hứng thú với lao động thì đầu tiên bố mẹ hãy là tấm gương chuẩn mực và là người truyền tình yêu lao động cho con trẻ. Hãy tạo cơ hội để trẻ thực hiện những công việc vừa sức đối với trẻ, cha mẹ sẽ thấy con thực hiện nhiệt tình, hứng thú như chơi trò chơi. Bên cạnh đó thì khi trẻ ở trường mầm non các cô giáo phải tạo cơ hội cho trẻ làm quen với lao động từ những việc đơn giản từ những hoạt động cá nhân hay tính lao động tập thể để trẻ có thói quen biết lao động.
Hoạt động lao động đối với trẻ mầm non, lúc đầu, trẻ mới chú ý đến bản thân hành động lao động, các thao tác lao động, việc sử dụng các công cụ lao động, sự vận động của các cơ chế máy móc hấp dẫn, lôi cuốn trẻ. Đó chỉ là những yếu tố bên ngoài của lao động, về sau, do sự tích luỹ kinh nghiệm bản thân và sự giải thích của cô giáo, trẻ dần dần hiểu biết được lao động của người lớn, ý nghĩa xã hội và lợi ích của lao động. Từ những hiểu biết đó hình thành ở trẻ lòng tôn trọng đối với lao động của người lớn và thái độ giữ gìn kết quả của lao động. Đó là những nhân tố sơ đẳng, ban đầu về lao động mà trẻ cần hiểu biết.
Việc tổ chức cho trẻ trực tiếp tham gia các hình thức lao động phù hợp với sức khoẻ và tâm lí lứa tuổi có ý nghĩa giáo dục thực sự, trẻ mới cảm thấy lao động là khó khăn và sự cần thiết phải lao động, phải có sự nỗ lực hoàn thành công việc được giao. Việc dạy cho trẻ biết lao động hợp lí là cơ sở của việc tổ chức lao động. Điều đó thể hiện ở việc giáo dục cho trẻ những kĩ năng và kỹ xảo lao động đơn giản. Tuỳ theo sự phát triển và trưởng thành của trẻ mà nâng dần yêu cầu đối với chất lượng, trình độ tổ chức, khối lượng lao động và nhịp độ công việc.
Trong quá trình dạy các kĩ năng lao động, giáo viên hình thành ở trẻ nguyện vọng tự thực hiện các thao tác vừa sức trẻ, chỉ cần đến sự giúp đỡ khi thật cần thiết. Cần hình thành cho trẻ niềm tin vào sức mình, niềm vui đối với kết quả lao động, động viên mọi ý định thể hiện tính độc lập của trẻ. Lao động phải mang đến niềm vui cho trẻ. Từ đó hình thành lòng yêu lao động.
Trẻ mầm non rất dễ có hứng thú với lao động từ những việc đơn giản như thu dọn đồ chơi hay tự bỏ quần áo bẩn vào chậu hay đi giày dép, tự rửa ca… trẻ thường làm với thái độ rất tích cực. Với cha mẹ hãy tạo cơ hội cho trẻ tự lựa chọn giải quyết những việc vặt quanh nhà, bạn sẽ thấy bé thực hiện rất nhiệt tình. Những công việc đó có thể chỉ là giúp mẹ gấp quần áo, thu dọn đồ chơi, thu dọn vỏ trái cây hay cho gà ăn…
Trong các giờ học như hoạt động ngoài trời, hoạt động góc, hoạt động học, hoạt động chiều… ngoài việc tổ chức cho trẻ thu dọn dụng cụ học tập, lau dọn các góc chơi, các cô còn tổ chức cho trẻ nhặt rác, nhổ cỏ ở vườn hoa, tưới cây, lau lá... Cô luôn tạo cơ hội cho trẻ tự lựa chọn và giải quyết những công việc trẻ thích. Qua hoạt động lao động tạo cho trẻ sự nhanh nhẹn và thích ứng với môi trường tự nhiên đồng thời trẻ tự tin, mạnh dạn hơn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, rèn kĩ năng lao động tự phục vụ cho trẻ ở trường mầm non là việc làm hết sức quan trọng vì lao động phục vụ bản thân là một trong những kỹ năng quan trọng thúc đẩy trẻ hoàn thiện mình một cách tốt nhất, nó sẽ giúp cho trẻ hình thành nhân cách, phẩm chất đạo đức và tính tự lập sau này.
Các bậc cha mẹ nên hình thành cho con thói quen làm tốt một công việc trong một khoảng thời gian nhất định. Hãy động viên để con hoàn thành công việc tới bước cuối cùng, hãy hướng dẫn chứ không làm thay mỗi khi trẻ gặp khúc mắc không tự giải quyết được và hãy kết thúc bằng một phần thưởng xứng đáng với những cố gắng của con, hãy nói với con những cố gắng đó có ý nghĩa như thế nào. Nên tạo cho trẻ niềm thích thú, say mê khi lao động. Trẻ sẽ cảm thấy hào hứng khi công việc có phần đóng góp tích cực của bản thân và có trách nhiệm hơn với phần việc đó. Đây sẽ là động lực góp phần hình thành nhân cách con người ở trẻ, tạo nên những phẩm chất tốt đẹp như: Tính kiên trì, biết quý trọng thành quả lao động, biết thông cảm với những người lao động.
Một số hình ảnh hoạt động lao động lau lá, nhặt lá, nhổ cỏ của các bé lớp 3- 4-5 tuổi tại điểm bản từ xa – Trường mầm non Keo Lôm - Xã Keo Lôm – Huyện Điện Biên Đông – Tỉnh Điện Biên.
Thông qua hoạt động nhổ cỏ, nhặt lá rụng, lau lá ...những hoạt động đó đòi hỏi trẻ phải hoạt động bằng tay, di chuyện bằng chân, cơ thể trẻ hoạt động theo sự lao động của trẻ từ đó giúp trẻ hình thành tính tự tin, kiên trì, sự đoàn kết trong lao động tập thể, trẻ có ý thức biết bảo vệ môi trường sống xung quanh mình và giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
Buổi lao động kết thúc với sự phấn khởi khi các con đã hoàn thành tốt công việc được giao, qua hoạt động lao động, giáo dục trẻ giá trị của lao động giúp trẻ có tính tự lập, không lười biếng, không ỷ lại vào người khác và có thể thích ứng với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Dạy cho trẻ biết lao động, biết yêu thương, chúng sẽ học được cách làm chủ cuộc đời với đôi bàn tay của chính mình, chúng sẽ nhận ra rằng nỗ lực của chúng chính là sự cống hiến cho những điều còn lớn lao hơn thế trong tương lai.