Trường Mầm Non Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên

https://mnkeolom.pgddienbiendong.edu.vn


TẾT CỔ TRUYỀN CỦA NGƯỜI MÔNG TRONG CUỘC SỐNG HIỆN ĐẠI

Người Mông là một trong những dân tộc có phong tục Tết cổ truyền đậm đà bản sắc được gìn giữ lâu đời. Theo phong tục truyền thống, khoảng trước Tết Nguyên đán một tháng cũng là thời điểm bà con thu hoạch xong mùa màng, người Mông cùng nhau chuẩn bị đón Tết cổ truyền
TẾT CỔ TRUYỀN CỦA NGƯỜI MÔNG TRONG CUỘC SỐNG HIỆN ĐẠI
    Đồng bào người Mông không định ra một ngày cụ thể trong năm để đón Tết như người Kinh mà ăn Tết theo mùa vụ. Theo phong tục truyền thống, khoảng trước Tết Nguyên đán một tháng cũng là thời điểm bà con thu hoạch xong mùa màng, người Mông sẽ thống nhất cùng nhau chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Nhà nhà, người người chuẩn bị may quần áo cho con cái trong nhà. Nhân dịp Tết, tất cả mọi người cùng nghỉ ngơi, ăn mừng mùa vụ, trao đổi kinh nghiệm lao động sản xuất đồng thời thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên, trời đất đã che chở, phù hộ cho bà con thôn bản có một mùa màng bội thu, gia đình được mạnh khỏe, bình an và cầu mong những điều tốt đẹp hơn trong năm mới.
   Tết của người Mông đậm đà bản sắc với những tập tục, lễ nghi thể hiện văn hóa truyền thống độc đáo riêng và đề cao tính cộng đồng. Người Mông quan niệm ngày với đêm rõ ràng với nhau, hết ngày là hết năm rồi và trước khi mặt trời lặn cả dòng họ sẽ cùng thực hiện lễ đón năm mới gọi là lễ lử-xu. Sau lễ lử-xu mỗi gia đình trở về nhà để làm lễ thay bàn thờ, một trong những lễ quan trọng nhất vào ngày Tết của người Mông. Bàn thờ là nơi mỗi gia đình người Mông thờ cúng tổ tiên, thờ ma nhà và luôn được thay mới trong dịp Tết để hạnh phúc, may mắn luôn ngập tràn, gia đình luôn được che chở, phù hộ.
   Những ngày quan trọng nhất trong Tết của người Mông là ngày 30 Tết, các gia đình trang hoàng lại nhà cửa để chuẩn bị đón tổ tiên về. Mùng Một làm lễ cúng tổ tiên và từ chiều mùng Một, mùng Hai người Mông sẽ đi thăm họ hàng, thầy cô. Sau khi làm lễ tiễn tổ tiên vào mùng Ba thì người lớn trẻ nhỏ nô nức đi trẩy hội, du Xuân.
   Hiện nay, nhờ đã có những bể nước tập trung mà nhiều nơi bà con người Mông không còn phải ngày ngày đi gánh nước nhưng tập tục gánh nước đầu năm không hề bị lãng quên. Khi có tiếng gà gáy đầu tiên sớm mùng Một, gia đình nào cũng dậy sớm để đi gánh nước mới về nấu ăn. Ai gánh được nước sông suối về đầu tiên thì năm đó gia đình ấy sẽ làm ăn phát đạt, an khang thịnh vượng, thành công hơn những gia đình khác.
    Cũng giống như người Kinh, người Mông có những điều kiêng kỵ riêng trong ngày Tết đã trở thành truyền thống của cả cộng đồng và cho đến nay vẫn được giữ gìn như không gọi nhau vào sớm mùng Một, ba ngày Tết chỉ ăn thịt chứ không ăn rau, nấu bếp không được dùng miệng thổi, ăn cơm không được chan canh… “Đó là những suy nghĩ đơn giản từ gia đình nông dân nghèo khó”.
    Trong những ngày đầu năm, đồng bào người Mông cùng hòa mình trong không khí lễ hội đông vui, rộn ràng. Có lẽ bất cứ ai cũng yêu mến tiếng hát, điệu múa, tiếng khèn của người Mông. Khi cuộc sống ngày càng phát triển hiện đại hơn, người Mông vẫn giữ gìn tiếng mẹ đẻ, trang phục truyền thống, các trò chơi dân gian ném pao, đánh tù lu…
    Đó là bản sắc cũng là niềm tự hào của cộng đồng người Mông. Dù là người Mông ở địa phương nào, dù là đón Tết trước hay chung với Tết Nguyên Đán thì những ngày này với người Mông vẫn mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và trang trọng. Khi mỗi dịp Tết đến Xuân về, những người nông dân chất phác, bình dị nơi vùng cao vẫn không mong gì hơn là những điều rủi ro, bệnh tật sẽ trôi đi theo năm cũ, sang năm mới những điều tốt đẹp hơn sẽ đến với mọi người.
 

Tác giả bài viết: Cô giáo Vàng Thị May

Nguồn tin: Mầm non Keo Lôm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây