Trường Mầm Non Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên

https://mnkeolom.pgddienbiendong.edu.vn


NHỮNG NGÀY THÁNG 4 LỊCH SỬ

     Cách đây 46 năm, dân tộc ta đã trải qua những ngày tháng 4 đầy ý chí khát vọng với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoàn thành tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
    Sáng ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp mở rộng, hội nghị đã nhất trí với nhận định: "Ta hơn hẳn địch cả về thế chiến lược lẫn lực lượng quân sự, chính trị. Dù Mỹ có tăng viện cũng không thể cứu vãn sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn". Bấy giờ, Bộ Chính trị đã khẳng định quyết tâm thực hiện tổng công kích, tổng tiến công trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là kết thúc trong tháng 4/1975.
    Sau cuộc họp lịch sử ấy cùng với chiến thuật hành động "thần tốc, táo bạo, bất ngờ", chúng ta đã có những mốc lịch sử chiến thắng liên tiếp trong suốt tháng 4. Mở đầu, ngày 1/4/1975, Sư đoàn 320 tiến quân theo đường số 7 cùng với lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên giải phóng thị xã Tuy Hòa. Ngày 2/4, quân ta giải phóng thị xã Bảo Lộc (Lâm Đồng) và tiến quân ra tấn công Đà Lạt. Ngày 3/4, Đà Lạt được giải phóng. Trong cùng thời điểm ngày 2-3/4, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) và Quân cảnh Cam Ranh cũng được giải phóng. Ngày 6/4, Bộ Chính trị công bố quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch Sài Gòn - Gia Định tại chiến trường miền Nam.
    Đến cuối những ngày cuối tháng 4, toàn Đảng, toàn dân ta đã dồn sức cho trận quyết chiến cuối cùng - chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Bộ Tư lệnh chiến dịch xác định 5 mục tiêu quan trọng nhất cần đánh chiếm bằng được gồm: Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc lập, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất.
    Bộ Tư lệnh chiến dịch sử dụng cách đánh hết sức linh hoạt, sáng tạo, tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh thẳng vào 5 mục tiêu đã được lựa chọn trong nội thành.
Đúng 5 giờ 30 sáng ngày 30/4, quân ta từ 4 hướng đồng loạt tổng tiến công vào Sài Gòn. Tất cả các cầu và đầu mối giao thông quan trọng trong thành phố đã được các đơn vị đặc công đánh chiếm trước và khống chế. Địch chống cự phản kích yếu ớt. 11 giờ 30 phút, ngày 30/4, giây phút lịch sử đã được ghi lại với hình ảnh lá cờ giải phóng được kéo lên cột cờ cao nhất của Dinh Độc lập. 13 giờ 30 cùng ngày, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện chấm dứt chế độ Việt Nam cộng hòa.
    46 năm sau, hôm nay, phát huy tinh thần cách mạng vẻ vang của dân tộc, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cũng đang trải qua những ngày tháng 4 lịch sử trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, và khôi phục kinh tế sau đại dịch. Những quyết sách đúng đắn của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, đồng sức của nhân dân cả nước, chúng ta đã từng bước khống chế được đại dịch trong bối cảnh dịch đang lan rộng và nguy hiểm trên toàn thế giới.
    Không khí hào hùng của mốc son lịch sử ngày 30/4 trong những ngày này càng tiếp thêm niềm tin của nhân dân vào Đảng, tiếp thêm sức mạnh để thực hiện các phong trào thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, tinh thần chiến thắng 30/4 lịch sử cũng sẽ tiếp thêm động lực để các ban, ngành, địa phương đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống sau khi đại hội thành công, với thông điệp hành động "thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa", đúng như tinh thần Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng chỉ đạo khi tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 46 năm về trước.
images y nghia chien thang 30 thang 4
 

Tác giả bài viết: Cô giáo Trần Thị Thuận

Nguồn tin: MN Keo Lôm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây