Tiếng Khèn - Nét đẹp văn hóa của người Mông

Thứ sáu - 22/01/2021 08:09
    Nghệ thuật thổi khèn, múa khèn vào dịp lễ, tết là một trong những phong tục truyền thống đặc trưng, thể hiện nét đẹp văn hóa của đồng bào Mông Tây Bắc nói chung và đồng bào Mông Keo Lôm huyện Điện Biên Đông nói riêng. Với họ, cây khèn không chỉ đơn thuần là nhạc cụ để gửi gắm, thổ lộ tâm tình; tiếng khèn được xem như sợi dây kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh.
    Trong những ngày lễ tết, cùng với những trò chơi dân gian thì cây khèn, nhạc cụ dân tộc được coi là linh hồn của người Mông để gửi gắm, thể hiện tiếng lòng của mình với bạn tình, với cộng đồng và với thiên nhiên hùng vĩ. Tiếng khèn còn như thứ âm thanh giúp họ giao tiếp giữa dương giang, thần linh và cõi âm. Tiếng khèn khi ngân lên, kèm theo các vũ điệu thể hiện được sự tinh tế, khéo léo của người con trai Mông. Thông qua tiếng khèn, qua từng động tác, người biểu diễn để lại những ấn tượng khó quên đến với người nghe và người xem. Cây khèn từ lâu đã là một loại nhạc cụ gắn bó với đời sống của người Mông. Con trai Mông từ nhỏ đã biết đến tiếng khèn và khi 13 đến 15 tuổi đã có cây khèn trên vai mỗi khi lên nương, xuống chợ. Khi buồn, khi vui, người Mông đều mang khèn ra thổi, gửi cả tâm tư, tình cảm của mình vào tiếng khèn. Theo quan niệm của người Mông, việc thổi khèn thực hiện các vũ điệu cùng tiếng khèn còn chứng tỏ sức mạnh của người đàn ông. Anh Vừ A Chu, dân tộc Mông ở Xã Keo Lôm huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, cho biết: “Cây Khèn luôn đi với người Mông, người Mông đi lễ hội cũng dùng tới khèn,  múa trong lễ hội, lễ tang cũng dùng tiếng khèn. Cây khèn rất quan trọng với người Mông, có những thứ không thể nói bằng lời được thì dùng tiếng khèn để thay cho lời nói”
ảnh 1
    Trong những dịp lễ, tết, tiếng khèn vang vọng khắp núi rừng. Tiếng khèn là phần hồn của người Mông. Những chàng trai Mông thổi khèn hay, múa khèn dẻo luôn nhận được sự quý mến, nể phục của nhiều người. Đối với người Mông, tiếng khèn luôn được mở đầu cho tất cả. Tiếng khèn còn thay lời của những người đang sống để nói chuyện với người dưới cõi âm, hay trong cưới hỏi tiếng khèn còn thay lời nhắn nhủ của bố mẹ, anh chị em gửi cho con gái khi về nhà chồng…
    Để có cây khèn tốt, người làm phải lặn lội vào rừng tìm những cây gỗ pơ mu to, thẳng, cây gỗ được cắt khúc dày từ 80 - 90cm, bổ đôi và khoét rỗng theo chiều dài thân cây, rồi áp hai thân cây lại như cũ, buộc chặt để nhựa tự kết dính. Những đoạn gỗ tươi này được đem về để khô trên gác bếp, rồi mới tạo hình dáng bầu, khoét các lỗ trên thân để lồng các ống trúc vào. Ống làm khèn gồm sáu ống trúc lớn, nhỏ, dài, ngắn khác nhau là những thân trúc, thẳng đẹp. Sáu ống trúc được xếp gọn song song với nhau trên thân khèn, tương tự cho tình anh em tụ họp.
    Ngày nay, dù cuộc sống nhiều đổi thay, nhưng đối với đồng bào dân tộc Mông, những chiếc khèn vẫn gắn bó với họ. Những chiếc khèn với những âm thanh dìu dặt vẫn là người bạn đồng hành của các chàng trai Mông trong mỗi dịp lễ tết. Trong cộng đồng bào dân tộc Mông, vẫn còn đó những nghệ nhân làm khèn và thế hệ đời con, đời cháu, vì yêu khèn mà gắn bó và chế tác ra những chiếc khèn độc đáo như một cách để gìn giữ giá trị cốt lõi của dân tộc mình, để mỗi ngày, tiếng khèn vẫn ngân lên những khúc du ca của núi, của rừng.
 

Tác giả bài viết: Cô giáo Nguyễn Thị Hương

Nguồn tin: MN Keo Lôm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT WEBSITE

 

 

 

 

HỖ TRỢ KỸ THUẬT
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay39
  • Tháng hiện tại12,685
  • Tổng lượt truy cập444,076
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Chế độ giao diện đang hiển thị: Tự độngMáy Tính